GIỚI THIỆU VỀ DU LỊCH BẾN TRE

GIỚI THIỆU VỀ TỈNH BẾN TRE NÉT DU LỊCH TỈNH BẾN TRE VIỆT NAM:
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26 - 27oC. Lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500 mm. 


Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là: 2.315 km2, được hình thành bởi cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành (gồm sông Tiền dài 83 km, sông Ba Lai 59 km, sông Hàm Luông 71 km, sông Cổ Chiên 82 km). Điểm cực bắc của Bến Tre nằm trên vĩ độ 9048' bắc, điểm cực nam nằm trên vĩ độ 10020' bắc, điểm cực đông nằm trên kinh độ 106048' đông, điểm cực tây nằm trên kinh độ 105057' đông.



Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, rải rác những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông. Nhìn từ trên cao xuống, Bến Tre có hình giẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, các nhánh sông lớn như hình nan quạt xòe rộng ở phía đông. Phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Long, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển là 65 km. Những con sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông chính (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên), ngược về phía thượng nguồn đến tận Campuchia; cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt khoảng 6.000 km đan vào nhau chở nặng phù sa chảy khắp ba dải cù lao là một lợi thế của Bến Tre trong phát triển giao thông thủy, hệ thống thủy lợi, phát triển kinh tế biển, kinh tế vườn, trao đổi hàng hoá với các tỉnh lân cận. Từ Bến Tre, tàu bè có thể đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Ngược lại, tàu bè từ thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây đều phải qua Bến Tre.


Song song với giao thông thủy, ở Bến Tre, hệ thống giao thông đường bộ cũng có một vị trí rất đặc biệt. Thị xã Bến Tre nối liền với thành phố Hồ Chí Minh (qua Tiền Giang, Long An) dài 86 km. Quốc lộ 60 từ phà Rạch Miễu qua thị xã Bến Tre, qua sông Hàm Luông, thị trấn Mỏ Cày, đến phà Cổ Chiên, sang tỉnh Trà Vinh. Quốc lộ 57 từ thị trấn Mỏ Cày, qua thị trấn Chợ Lách đến phà Đình Khao sang Vĩnh Long. Tỉnh lộ 888 nối thị trấn Mỏ Cày với thị trấn Thạnh Phú. Tỉnh lộ 885 nối thị xã Bến Tre với thị trấn Ba Tri, qua thị trấn Giồng Trôm. Tỉnh lộ 884 từ ngã ba Tân Thành đến bến phà Tân Phú. Tỉnh lộ 882 nối quốc lộ 60 với quốc lộ 57. Tỉnh lộ 883 nối quốc lộ 60 qua thị trấn Bình Đại đến xã Thới Thuận. Tỉnh lộ 887 từ cầu Bến Tre xuống ngã ba Sơn Đốc.
Cầu Rạch Miễu - công trình thế kỷ, là niềm mong ước của bao thế hệ người dân trong tỉnh - đang được gấp rút hoàn thành sẽ gối đầu lên hai bờ sông Tiền và cầu Hàm Luông nối liền cù lao Bảo, cù lao Minh đã đưa vào sử dụng. Cùng với hệ thống cầu đường nội tỉnh, ba dải cù lao An Hoá - Bảo - Minh thông thương là điều kiện giúp cho những tiềm năng kinh tế - văn hoá - xã hội của Bến Tre được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ.

MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ TIÊU BIỂU TỈNH BẾN TRE
-------------------------------------------------------------------------------- 
Di tích lịch sử Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu, sau khi bị mù hai mắt, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh ở Bình Vi, Gia Định. Khi quân Pháp chiếm thành Gia Định, ông chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay giặc, Nguyễn Đình Chiểu rời Cần Giuộc về Ba Tri (1862). Tại đây, ông tiếp tục mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn chống Pháp cho đến cuối đời. Những tác phẩm có giá trị nhất của ông đều được viết từ nơi đây.


Ngày 3-7-1888, ông trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 66 tuổi. Người ta kể rằng, hôm đưa đám tang ông, cánh đồng An Bình Đông, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, trắng xóa khăn tang – khăn tang của học trò, của các thân chủ được ông chữa khỏi bệnh, của bạn bè và bà con xa gần mến mộ tài đức của ông. Khu mộ gồm có mộ nhà thơ, mộ bà Lê Thị Điền, người vợ đồng thời cũng là người trợ thủ đắc lực của ông trong sự nghiệp sáng tác thơ văn cũng như trong các họat động xã hội khác, mộ bà Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ, người nữ chủ bút báo Nữ giới chung.

Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu
------------------------------------------------------------------------------------
Khu di tích lịch sử Đồng Khởi Bến Tre

Những cột mốc chính của quá trình diễn biến cuộc Đồng Khởi:

- Ngày 1-1-1960, đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đi dự hội nghị của Khu ủy khu 8 để tiếp thu Nghị quyết 15 của Trung ương về đến Mỏ Cày.
- Đêm 2-1, hội nghị cán bộ lãnh đạo tỉnh được triệu tập tại một địa điểm ở Mỏ Cày, để truyền đạt lại tinh thần Nghị quyết 15 và bàn kế hoạch phát động tuần lễ nổi dậy đồng loạt, từ 17-1-1960 đến 25-1-1960, lấy 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh làm điểm đột phá. 

- Ngày 11-1-1960, Huyện ủy Mỏ Cày họp với cấp ủy xã Định Thủy, bàn kế hoạch thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy. 
Đúng ngày 17-1-1960, cuộc nổi dậy bùng nổ và đã giành thắng lợi đúng như dự kiến. 

- Ngày 20-1-1960, trung đội vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập, mang tên phiên hiệu 264.
Thắng lợi cuộc Đồng khởi tại vùng điểm đã mở màn, cổ vũ cho phong trào nổi dậy trong toàn tỉnh, sau đó lan ra trong toàn miền. Đến ngày giải phóng (30-4-1975), những di tích diệt ác ôn, hạ đồn địch trong cuộc Đồng Khởi đã bị mai một đi nhiều. Để bảo tồn những di tích và hình ảnh, tư liệu về sự kiện lịch sử to lớn này, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất của người dân, và để nâng cao lòng tự hào về những chiến tích đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Bến Tre chủ trương xây dựng tại xã Định Thủy một “Nhà truyền thống Đồng khởi”. Khu di tích này được thiết lập trên một diện tích 5.000 m2, gồm nhà bảo tàng một trệt, một lầu, có diện tích sử dụng 500 m2. Trên nóc nhà là một ngọn lửa được cách điệu bằng bê tông cốt thép cao 12 m, màu đỏ - biểu tượng của ngọn lửa Đồng khởi cháy sáng mãi trên xứ Dừa. Bên trong nhà là những gian trưng bày những hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch v.v…
Chung quanh ngôi nhà là những thảm cỏ xanh, sân rộng, những bồn hoa và cây cảnh, làm tăng thêm vẻ đẹp của khu di tích.
Từ thị xã đi qua phà Hàm Luông theo quốc lộ 60, đến thị trấn Mỏ Cày, rẽ về 3 xã nói trên bằng đường ô-tô là đến khu di tích. Hoặc có thể từ thị xã, vượt sông Hàm Luông theo đường kênh đến tận trung tâm của cái nôi Đồng khởi.
Di tích Đồng khởi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 43-VH/QĐ công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 7-1-1993.

LÊ DUẨN - TỔNG BÍ THƯ BCHTƯĐCS VIỆT NAM

“Cuối năm 1959 tại nhiều nơi ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề ngụy của hàng trăm thôn, xã phải tan vỡ. Đặc biệt đêm 17-1-1960, dưới sự chỉ đạo của Ðảng bộ Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Từ đó, làn sóng “Đồng khởi” như nước vỡ bờ lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ"(1).
“... Những cuộc đấu tranh cách mạng ấy thực chất là cao trào khởi nghĩa của quần chúng, bao gồm những cuộc khởi nghĩa từng phần, để giành thế mạnh về chính trị, xây dựng một hình thức chính quyền cách mạng ở thôn xã, hình thức bước đầu lực lượng vũ trang của nhân dân"(2).
* Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam do TƯCMN và Quân ủy miền chủ trì (1968) có đại biểu các tỉnh, thành và Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 6, 7, 8, 9 và đặc khu Sài Gòn - Gia Định về dự đã nhất trí tuyên dương 3 tỉnh đạt những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ (giai đoạn 1954 - 1968) với các danh hiệu sau đây:
1 - Tỉnh Bến Tre: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”.
2 - Tỉnh Long An: "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".
3 - Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng: "Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

ĐẠI TƯỚNG HOÀNG VĂN THÁI (Nguyên Tư lệnh B2):

Trong bài phát biểu ở Hội nghị Tổng kết cuộc KCCM cứu nước của nhân dân Bến Tre, ngày 17-7-1982 đã kết luận:
"Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã mở đầu cho cuộc tấn công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của chính quyền Mỹ, Diệm. Rõ ràng, phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu, nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và xứng đáng được gọi là QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI với tất cả nội dung và tính chất của nó".

ĐẠI TƯỚNG ĐOÀN KHUÊ, BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG:

Nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng ấp Bắc, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang (2.1.1963 - 2.1.1998), Đại tướng đã phát biểu:
"Mọi sự việc diễn ra trong quá trình lịch sử đều có những cột mốc phát triển của nó. Ðồng khởi Bến Tre tạo ra chiến thắng Ấp Bắc; chiến thắng Ấp Bắc tạo ra Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ba Gia (Quảng Ngãi), Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi)".

THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT:
"Chiến công chống chánh quyền ngụy tay sai của Mỹ, tiêu biểu khởi đầu là phong trào Đồng khởi của nhân dân và các chiến sĩ kiên trung của Bến Tre, đặc biệt là các chị em được mệnh danh là "đội quân tóc dài", những người đã anh dũng vùng lên, cùng nhau nổi dậy thành một phong trào, đấu tranh chính trị kết hợp với bạo lực vũ trang, phá thế kìm kẹp, làm thay đổi cục diện trên địa bàn lúc bấy giờ. Trong lúc đó ở miền Nam nhiều nơi cũng có phong trào tương tự, nhưng về quy mô thì chưa có nơi nào như ở Bến Tre (ít nhất cũng riêng Nam Bộ)
Sự Ðồng khởi ở Bến Tre đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào nhân dân nổi dậy đấu tranh của nhiều địa phương khác ở Nam Bộ.Tôi có vinh dự lớn lúc đó là "người trong cuộc và có điều kiện theo dõi bước phát triển quan trọng này trong quá trình kháng chiến của Bến Tre đã được chứng minh trong nhiều văn kiện của Đảng và những tác phẩm văn học nghệ thuật ghi nhận là "quê hương Đồng khởi”, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre có quyền tự hào về điều này"(3).
CHỦ TỊCH TRẦN ĐỨC LƯƠNG:
Trong thư biểu dương bà Nguyễn Thị Ðấu - Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Đồng khởi Bến Tre ở đoạn kết có câu: “Kính chúc mẹ, chúc Đảng bộ và nhân dân Bến Tre tiếp tục phấn đấu và phát huy truyền thống "Quê hương Đồng khởi” trong thời kỳ đổi mới”.

Khu tưởng niệm Đồng Khởi
------------------------------------------------------------------------------------
Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh được xây dựng từ năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14, nằm sát bên rạch Tân Hương, trên đường từ cái Bần đi Phú Khánh, thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày. So với Hội Tông cổ tự ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, thì chùa Tuyên Linh không cổ bằng, nhưng nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng chú ý.
Chùa được xây dựng năm 1861, do hòa thượng Khánh Phong trụ trì. Đến năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, vốn là một vị cao tăng tinh thông phật học, về trụ trì tại chùa này. Tại đây, hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mở mang việc thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn nho học, lại biết cả chữ quốc ngữ, nên ông được tín đồ, các cư sĩ Phật giáo tín nhiệm. Hòa Thượng là người sáng lập ra Nam Kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam Kỳ lúc bấy giờ, đồng thời là chủ bút tạp chí Từ bi âm, giám đốc Phật học tùng thư.
Năm 1930, nhân dịp chùa được trùng tu, hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên Tiên Linh tự thành Tuyên Linh tự. Từ đấy chùa được gọi bằng tên mới: Tuyên Linh.
Theo tài liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Đồng Tháp, thì vào khoảng cuối năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian.
Theo sư Thái Không, cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của hòa thượng Lê Khánh Hòa, trong thời gian lưu trú tại chùa, đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Tuy thời gian ở đây không lâu, cụ Nguyễn Sinh Sắc có quan hệ với Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre (1930).
Khi CMT8-1945 thành công, hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và tín đồ Phật giáo trong tỉnh tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến. Năm 1947, do tuổi già sức yếu, trên giường bệnh, ông bình tĩnh đọc lời di ngôn cho môn đồ chép lại, sắp xếp công việc đạo, căn dặn học trò thân tín vận động tín đồ tích cực tham gia kháng chiến, tin tưởng vào chính phủ Cụ Hồ, cùng đồng bào cả nước đấu tranh giành độc lập. Ngày 19-6-1947, biết mình không qua khỏi, ông bảo học trò tắm rửa sạch sẽ, thay đạo phục cho ông, rồi day mặt về hướng Bắc, nói những lời chúc tụng cuối cùng về nhà nước độc lập, về sức khỏe của Hồ Chủ Tịch, sau đó niệm Phật rồi tắt thở.
Năm 1956, để tỏ lòng tôn kính một vị chân tu yêu nước, giáo hội Phật giáo tăng già và Lục hòa tăng đã cùng các tín đồ tổ chức lễ Trà tỳ (tức lễ thiêu hài cốt đưa tro vào bảo pháp) tại chùa Tuyên Linh.
Thời KCCP, chùa Tuyên Linh là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong những năm trước Đồng khởi, trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, vùng Tân Hương - Minh Đức, nơi có ngôi chùa Tuyên Linh , vẫn là nơi có phong trào mạnh. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại đây trong sự đùm bọc của nhân dân và tín đồ đạo Phật giáo giữa những ngày khó khăn nhất của cách mạng.

Chùa Tuyên Linh
------------------------------------------------------------------------------------

Di tích lịch sử căn cứ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định

Khu căn cứ này còn có mật danh là T4, Y4. Từ thị xã Bến Tre theo quốc lộ 60, qua phà Hàm Luông đi đến ngã ba chợ Xép rẽ phải đi tiếp 5 km nữa là đến xã Tân Phú Tây và xã Thành An thuộc huyện Mỏ Cày.
Sau Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), địch phản kích quyết liệt, tăng cường hành quân càn quét, dùng phi pháo đánh phá khốc liệt ở vùng giải phóng và những nơi mà chúng nghi là có lực lượng cách mạng đang trú đóng.
Tháng 6-1969, sau khi thống nhất giữa thường vụ Khu ủy và lãnh đạo tỉnh Bến Tre, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể hành quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế.
Bên trong căn cứ, ta thiết lập hàng chục hầm kiên cố có khả năng chịu đựng được pháo 105 ly, những công sự chiến đấu và hệ thống hầm bí mật, chỗ làm việc của lãnh đạo Khu ủy, nơi giành cho các cuộc hội nghị, cơ sở hậu cần, bảo vệ v.v…
Ở vòng ngoài là hành lang bảo vệ và đầu mối liên lạc, gồm các xã chung quanh như Thành An, Hòa Lộc, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung.
Gián điệp và do thám của địch cũng đã đánh hơi biết được cơ quan đầu não của Sài Gòn - Gia Định đang đóng tại căn cứ này, nên đã tung lực lượng thăm dò, tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, nhưng đều bị lực lượng bảo vệ cùng lực lượng vũ trang tỉnh bẻ gãy, tiêu diệt hàng trăm tên…
Thời gian đóng căn cứ ở đây không dài, nhưng cơ quan Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã được sự hỗ trợ, cưu mang đầy tình nghĩa của quân và dân huyện Mỏ Cày nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung.
Sau chiến tranh, những di tích của căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định coi như bị bom đạn của địch xóa sạch. Để lưu giữ lại dấu tích của một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng, tỉnh đã phục chế lại hai hầm trú ẩn bằng bê tông giả thân cây dừa và dựng bia lưu niệm tại xã Tân Phú Tây.



Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4)

------------------------------------------------------------------------------------

Di tích đầu cầu tiếp cận chi viện Bắc Nam

Lịch sử hai cuộc KCCP và KCCM đã ghi lại hai lần vượt biển từ xã Thạnh Phong huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre ra thủ đô Hà Nội để gặp Trung ương báo cáo tình hình và xin chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Lần thứ nhất là vào đầu tháng 4-1946, đã đến đích an toàn. Tháng 11-1946, chuyến chi viện vũ khí đầu tiên từ bờ biển tỉnh Phú Yên vào Bến Tre do đồng chí Nguyễn Thị Định, thành viên của đoàn phụ trách, đã cập bến an toàn. Lần thứ hai diễn ra vào ngày 1-6-1961, sau cuộc Đồng khởi 8 tháng, cũng đã thành công tốt đẹp, mặc dù màng lưới phong tỏa, kiểm soát của địch hiện đại hơn, ngặt nghèo hơn. Từ hai sự kiện trên đã đưa đến một quyết định của Trung ương là mở đường Hồ Chí Minh trên biển, để chi viện cho cách mạng miền Nam (xem thêm mục Sự kiện đáng nhớ).
Trong những năm chống Mỹ, hàng ngàn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của Trung ương chi viện cho cách mạng miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển đã đến nhiều địa phương dọc theo duyên hải miền Trung đến tận mũi Cà Mau để tiếp sức cho cuộc kháng chiến, mà đầu cầu tiếp nhận vũ khí ở xã Thạnh Phong (gồm vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn) là một trọng điểm. Tại đây, Bộ Tư lệnh miền đã thành lập Đoàn 962 có nhiệm vụ bảo vệ đầu cầu, tiếp nhận hàng chi viện, rồi từ đây lan tỏa ra các chiến trường Nam Bộ như Sài Gòn, các tỉnh miền Đông và miền Trung Nam Bộ và cho các đơn vị chủ lực của miền.
Địch đã dùng đủ mọi thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn, nhưng chỉ có thể gây cho ta một số tổn thất nhất định, chúng không thể nào cắt đứt được mạch máu giao thông liên lạc Bắc Nam của cách mạng.
Địa điểm khu di tích của xã Thạnh Phong (vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn) nằm cách thị trấn Thạnh Phú 25 km, cách thị xã Bến Tre 70 km. Có thể đến khu di tích bằng hai đường thủy và bộ, cả hai đều thuận tiện.

Di tích đầu cầu tiếp cận chi viện Bắc - Nam
------------------------------------------------------------------------------------
Di tích nghệ thuật Đình Phú Lễ
Căn cứ vào bia còn lưu lại tại đình cho biết niên đại xây đình vào năm Minh Mạng thứ 7(1826) trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá, được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5(1851). Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm tất cả 10 gian: 6 gian chính dính liền với mái và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá.
Do chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc và các hiện vật bài trí bên trong (hương án, cuốn thư, hoành phi, bình phong, bao lam, đồ lễ bộ…) đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều. Tuy nhiên, những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên, không bị bom đạn tàn phá, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay, đã nói lên rằng đình Phú Lễ là đình có quy mô lớn và đẹp nhất của các làng quê ven biển Bến Tre. Nét đẹp của đình một phần còn do cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Khuôn viên của đình khá rộng, trải ra trên khu đất giồng khô ráo, với hàng trăm cây cổ thụ toả bóng.

Hàng năm, hội cúng đình – còn gọi là lễ kỳ yên tổ chức vào rằm tháng 3(âl). Vì là làng lớn, đông dân, nên trước đây mỗi năm trong kỳ tế xuân đều có rước đoàn hát bội về biểu diễn nhiều đêm liền. Lễ tế thu là lễ Cầu bông.

Đình Phú Lễ


Nhận xét

Bài đăng phổ biến